Thị trường bất động sản đang chứng kiến sự khởi sắc, tạo ra triển vọng tích cực và làm tăng kỳ vọng của các chuyên gia rằng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực này.
Theo tạp chí Tài Chính, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản quay trở lại hoạt động 1.302 doanh nghiệp, bằng 122,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, cả nước có 1.376 doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới, bằng 98,7% so với cùng kỳ 2023. Số doanh nghiệp tạm ngừng có thời hạn là 2.766 doanh nghiệp, bằng 130,7%. Về số lượng doanh nghiệp hoàn tất giải thể là 410 doanh nghiệp, bằng 89,9% so với cùng kỳ.
Việc số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và đặc biệt là doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh cho thấy thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực.
Một tín hiệu tích cực khác của thị trường bất động sản là theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 1,6 tỷ USD. Con số này gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài dành cho lĩnh vực bất động sản vẫn tích cực, bất chấp thị trường còn đang đối diện không ít khó khăn.
Đến nay, nhờ tác động từ loạt chính sách tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản của Chính phủ cùng các bộ ngành, đã giúp nhiều doanh nghiệp địa ốc “hồi sinh” trở lại. Điều này đã phần nào phản ánh rõ nét tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường trong những tháng đầu năm 2024.
Theo TTXVN, với bước "chạy đà" này, thị trường bất động sản ghi nhận sự khởi sắc. Đây cũng là động thái lạc quan khiến các chuyên gia bày tỏ kỳ vọng dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản bởi đây vẫn là thị trường tiềm năng, có dư địa phát triển lớn.
Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã và đang lọt vào tầm ngắm của lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở một thị trường chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, động lực rất quan trọng tạo nên sức hấp dẫn mới cho thị trường bất động sản thời gian tới là tác động tích cực của Luật Đất đai sửa đổi kỳ vọng sẽ có hiệu lực sớm từ ngày 1/7/2024. Cùng đó, các luật khung quan trọng liên quan trực tiếp đến thị trường là Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cũng đồng thời có hiệu lực tạo sự đồng bộ về pháp lý cho lĩnh vực này.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh chứng khoán có nhiều biến động, vàng liên tục tăng giá, lãi suất tiết kiệm về mức thấp nhất (khoảng 4 - 5% cho kỳ hạn 12 tháng) thì bất động sản vẫn sẽ là kênh đầu tư nhiều triển vọng. Với riêng các nhà đầu tư nước ngoài, văn phòng cho thuê và bất động sản công nghiệp là hai phân khúc được quan tâm nhiều nhất và dự báo sẽ rất sôi động trong năm 2024.
Ông Nguyễn Trọng Toàn, Quản lý bộ phận đầu tư, Savills Hà Nội phân tích, bất động sản Việt Nam vẫn duy trì là điểm đến đầu tư đáng chú ý của các nhà đầu tư và phát triển nước ngoài tại những vị trí và phân khúc có dư địa phát triển tốt. Mỗi phân khúc bất động sản của thị trường Việt Nam trong năm 2024 đều có những điểm nhấn đầu tư riêng thu hút nhà đầu tư ngoại.
Phân khúc bất động sản văn phòng qua quan sát của Savills cho thấy, tăng trưởng nguồn cầu từ khối doanh nghiệp năng lượng, sản xuất và tư vấn đã góp phần duy trì tỷ lệ lấp đầy ổn định. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh, xu hướng thị trường văn phòng mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài có năng lực đầu tư và định vị sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh hay các chứng chỉ về môi trường như LEED, WELL, BREEAM...
Đơn cử như thị trường Hà Nội, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mở rộng phạm vi đầu tư tại những khu vực đang phát triển của thành phố thay vì tập trung tại quận trung tâm nhằm đón bắt xu hướng dịch chuyển của nhóm văn phòng cơ quan hành chính công tư, sự phát triển của hạ tầng giao thông thành phố và xu hướng tập trung dân cư tại nhiều dự án đại đô thị bao quanh thành phố - ông Toàn dẫn chứng.
Còn với bất động sản công nghiệp - điểm sáng bền vững nhất trong thu hút FDI trên thị trường bất động sản Việt Nam, ông Trương Gia Bảo - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam nhận xét: "Với sự cải thiện về dòng vốn đầu tư trong năm 2024, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Thời gian tới, thu hút FDI tiếp tục là thế mạnh và điểm sáng cùng với các chính sách vĩ mô, dự án hạ tầng quan trọng được đầu tư... sẽ tạo ra triển vọng tích cực cho thị trường bất động sản công nghiệp".
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khuyến cáo, để tiếp tục duy trì và phát triển mạnh mẽ phân khúc bất động sản công nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chưa phải "con tàu nhiều khoang" mà chỉ là một "khoang nhỏ" thì vẫn cần có chiến lược cụ thể; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, nhất là rà soát bổ sung quỹ đất sạch.
Để tiếp tục duy trì và phát triển mạnh mẽ phân khúc bất động sản công nghiệp giàu tiềm năng, Việt Nam cần có một kịch bản thu hút đầu tư FDI mới. Ở thời điểm hiện tại, kịch bản thu hút đầu tư FDI kinh điển đang là "trải thảm đỏ" bằng ưu đãi thuế hay nhân công giá rẻ. Nhưng đây sẽ không còn là yếu tố then chốt nữa, thậm chí đã lỗi thời bởi hiện nay không chỉ mỗi Việt Nam sử dụng thế mạnh này.
Kinh nghiệm thu hút FDI của Ấn Độ cho thấy, để thu hút các "đại bàng" về làm tổ thành công, một trong những yếu tố được Chính phủ Ấn Độ coi trọng đó là thiết lập quỹ đất sạch trên 460.000 ha rộng lớn - tương đương 6 lần diện tích Singapore và gấp đôi diện tích của Luxembourg (Bỉ), ông Bảo chia sẻ.
Điều đó chứng tỏ, các nhà đầu tư FDI dành nhiều sự quan tâm và chú trọng vào những địa phương đã hình thành được quỹ đất sạch, cho dù giá đất có cao hơn nhiều lần. Bởi nếu là nhà đầu tư thuần khiết, không ai muốn lăn tăn và mất thời gian trong việc giải quyết thủ tục pháp lý vì tranh chấp trong đền bù, giải phóng mặt bằng.
Ông Trương Gia Bảo cho rằng, muốn hấp dẫn được "đại bàng" về làm tổ thì cần có chiến lược cụ thể cho từng đối tác, không nên đưa ra mục tiêu chung chung, tràn lan. Thành quả thu hút FDI không chỉ được đánh giá bằng tổng số vốn đăng ký. Muốn vậy, phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, nhất là rà soát, bổ sung quỹ đất sạch.
Bất động sản dành cho bạn