Mức thuế đối ứng cao do Mỹ áp dụng đang gây lo ngại cho nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản công nghiệp, vốn có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp dụng mức thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9/4/2025. Ngay sau đó, vào sáng 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tổ chức cuộc họp khẩn với các bộ, ngành để tìm giải pháp ứng phó trước bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt và khó lường.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành giữ bình tĩnh, linh hoạt trong xử lý tình huống, đồng thời thành lập tổ phản ứng nhanh do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc được giao chủ trì việc tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, nhằm xây dựng các giải pháp đối phó hiệu quả.
Trong định hướng dài hạn, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, xanh hóa, số hóa và dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, song song với hội nhập sâu rộng và đa dạng hóa thị trường. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên vẫn được giữ nguyên.
Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital, nhận định mức thuế 46% cao hơn nhiều so với dự báo trước đó và sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu, khiến chi phí gia tăng và có thể dẫn đến việc chuyển đơn hàng sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn. Dragon Capital ước tính Việt Nam có thể thiệt hại khoảng 37,5 tỷ USD, tương đương 9% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.
Đại diện Tổng công ty IDICO cảnh báo rằng mức thuế cao từ Mỹ sẽ ảnh hưởng không chỉ đến hoạt động xuất khẩu mà còn đến thu hút đầu tư nước ngoài. Sự lao dốc của thị trường chứng khoán sau khi thông tin được công bố cũng phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, cho rằng nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ chịu tác động đáng kể. Việc các nhà sản xuất lớn có thể cân nhắc chuyển dịch nhà máy khỏi Việt Nam để tránh rủi ro thuế là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Ông Vũ Công Trụ, Tổng giám đốc Vietnam Solution, cho biết từ cuối năm 2024 đã xuất hiện dấu hiệu dòng vốn FDI từ Trung Quốc suy giảm, cho thấy các nhà đầu tư đã lường trước khả năng Mỹ siết chặt chính sách thương mại. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc chuyển từ sản xuất sang hoạt động thương mại xuyên biên giới và tìm hiểu thị trường kỹ hơn trước khi đầu tư.
Ông Trụ chia nhà đầu tư FDI thành ba nhóm: nhóm đang tìm hiểu thị trường, nhóm nhà đầu tư lớn, và nhóm nhà đầu tư vừa – chủ yếu là các vendor. Trong đó, nhóm đầu tiên dễ “quay xe” nếu tình hình thuế bất lợi; nhóm thứ hai có thể phải cơ cấu lại danh mục đầu tư; còn nhóm thứ ba bị ảnh hưởng vừa phải nhưng phụ thuộc vào động thái của nhóm đầu tư lớn.
Đại diện một khu công nghiệp cũng cảnh báo rằng phía sau chính sách thuế còn là thông điệp chính trị từ Mỹ, đặc biệt là việc hàng hóa Trung Quốc "núp bóng" quốc gia khác – trong đó có Việt Nam – để vào thị trường Mỹ. Đây là yếu tố Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm để có chiến lược ứng phó phù hợp trong thời gian tới.
Bất động sản dành cho bạn