Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TP.HCM đạt 1.116 nghìn tỷ đồng – một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi rõ nét của thị trường.
Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi rõ nét tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ sự cộng hưởng giữa xu hướng thị trường khởi sắc và việc nhiều ngân hàng thương mại tung ra các gói vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Diễn biến này kéo theo tín dụng bất động sản trên địa bàn tăng trưởng tích cực trong những tháng đầu năm 2025.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TP.HCM đạt 1.116 nghìn tỷ đồng, tăng 0,34% so với tháng trước và tăng 2,85% so với cuối năm 2024. Mức tăng này cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung toàn địa bàn, vốn đạt 2,62% trong 4 tháng đầu năm.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, cho biết tín dụng bất động sản dù chưa tăng đều qua từng tháng, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng dương và ổn định. Đáng chú ý, tín dụng cho nhóm người vay tự sử dụng – gồm các khoản vay mua nhà để ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây dựng, sửa chữa nhà – vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đạt 727.000 tỷ đồng, tương đương 65% tổng dư nợ bất động sản.
Tín dụng nhà ở xã hội cũng đang cho thấy tín hiệu hồi phục. Chỉ trong hai tháng gần đây, dư nợ tín dụng lĩnh vực này tăng mạnh, đạt 2.764 tỷ đồng vào cuối tháng 4/2025, tăng 4,84% so với tháng trước – cao hơn nhiều so với mức tăng 1,7% của tháng 3 và mức giảm 2,55% của tháng 2.
Theo ông Lệnh, yếu tố then chốt thúc đẩy đà phục hồi tín dụng bất động sản nằm ở chính sách lãi suất hợp lý, đa dạng sản phẩm tín dụng, linh hoạt về thời hạn và khả năng tiếp cận vốn phù hợp với thu nhập thực tế của người vay. Nhiều ngân hàng hiện đang triển khai các gói vay nhà ở xã hội, cho người dưới 35 tuổi, hay các chương trình trả góp dài hạn nhằm khuyến khích nhu cầu an cư, qua đó hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở.
Từ đầu năm 2025 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tích cực đưa ra các gói vay mua nhà với lãi suất ưu đãi, thấp hơn mặt bằng chung từ 1–3 điểm %. Điều này kích thích đáng kể nhu cầu mua nhà, nhất là trong nhóm khách hàng trẻ, thu nhập trung bình.
Chẳng hạn, HDBank cho phép khách hàng vay mua nhà, đất hoặc xây sửa nhà lên đến 90% nhu cầu vốn, với thời gian vay tối đa 50 năm, lãi suất từ 3,5%/năm và ân hạn gốc đến 5 năm. Đồng thời, ngân hàng này triển khai chương trình mua nhà ở xã hội với mức trả góp chỉ từ 200.000 đồng/ngày.
Tại Agribank, chương trình vay mua bất động sản dành cho cá nhân dưới 35 tuổi, là công chức, viên chức hoặc người lao động phổ thông, có lãi suất cố định 5,5%/năm trong 3 năm đầu, hạn mức vay lên đến 75% nhu cầu vốn và thời hạn tối đa 40 năm.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, ACB, VIB… cũng tung ra các gói vay lãi suất hấp dẫn, như lãi suất cố định 5,5% trong 2–3 năm đầu hoặc chỉ từ 3,88% trong giai đoạn đầu vay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người dân cần hết sức lưu ý đến rủi ro từ lãi suất thả nổi sau thời gian ưu đãi. Phần lớn các gói vay chỉ áp dụng lãi suất ưu đãi trong 6–24 tháng, sau đó ngân hàng sẽ tính theo lãi suất thả nổi – thường được xác định dựa trên lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cộng thêm biên độ 3,5–5%. Như vậy, lãi suất thực tế có thể lên tới 11–13%/năm, gây áp lực lớn cho người vay trong các khoản vay dài hạn 20–30 năm.
Với bối cảnh thị trường bất động sản đang dần phục hồi và nguồn vốn vay dồi dào, người vay cần tính toán kỹ lưỡng khả năng tài chính dài hạn, không chỉ nhìn vào lãi suất ngắn hạn. Việc vay mua nhà cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh rơi vào tình trạng “vỡ kế hoạch tài chính” khi lãi suất điều chỉnh tăng.
Bất động sản dành cho bạn