Năm 2025 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng, năm "Thế kỉ" cho tương lai của ngành bất động sản. Mặc dù vẫn còn một chút khó khăn nhưng theo đà phát triển của "Kỷ nguyên mới", thị trường bất động sản sẽ có những đột phá nhất định, bất chấp mọi rào cản.
Tuy thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn trong năm 2024, nhưng bức tranh tổng thể đã có sự cải thiện rõ rệt. Nhờ vào sự phục hồi tích cực trong cả nguồn cung và giao dịch, thị trường đã dần hồi sinh. Đặc biệt, vào cuối năm, không khí thị trường trở nên sôi động hơn, với nhiều sự kiện khai trương, triển khai các dự án lớn, và những đợt ra mắt sản phẩm quy mô trên toàn quốc.
Các dự án nổi bật như Vinhomes Global Gate, The Senique, The Opus One, Sun Urban City, KDT Waterpoint, Bcons City, Caraworld… đã thu hút sự chú ý lớn từ công chúng. Bên cạnh đó, không ít dự án đã được tái khởi động sau một thời gian dài ngừng thi công, như QMS Tower, D-Homme, Astral City, HN Melody Residences, Gem Riverside, Lavida Plus…
Xét một cách tổng thể, mặc dù thị trường BĐS trong năm 2025 vẫn phải đối mặt với một số thách thức, như việc không hoàn thành mục tiêu 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024, tổng số dự án hoàn thành chỉ đạt 13,4% so với kế hoạch của cả giai đoạn 2021 – 2025, và tỷ lệ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn còn rất thấp (chỉ đạt 1,44%), nhưng không thể phủ nhận sự phục hồi rõ rệt trong từng phân khúc và khu vực. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn tồn tại một số vấn đề như tình trạng "thổi giá" đất đai trong các cuộc đấu giá, hay việc giá căn hộ vẫn liên tục thiết lập các mức tăng mới. Đặc biệt, TP Hà Nội đứng đầu về mức tăng trưởng giá, theo sau là TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, với mức tăng trưởng lần lượt là 72,4%, 49,9%, và 34,3% so với thời điểm trước đó.
Dẫu vậy, ngành BĐS đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng và đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Trong khi phân khúc BĐS khu công nghiệp tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, với 28 dự án hạ tầng khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2024, diện tích lên đến 8.991 ha, gấp hơn hai lần so với năm 2023, thì phân khúc nhà ở cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, với gần 65.400 sản phẩm mới được ra mắt, gấp ba lần so với năm 2023. Các phân khúc khác như BĐS thương mại - bán lẻ, văn phòng và du lịch – nghỉ dưỡng cũng chứng kiến sự phục hồi rõ rệt.
Dù đã có nhiều tiến triển tích cực, nhưng giai đoạn chuyển giao này vẫn tiềm ẩn một số rủi ro. Tốc độ phục hồi vẫn có sự phân hóa giữa các khu vực và phân khúc, giá bán tiếp tục gia tăng, gây ra những lo ngại về sự bền vững của thị trường. Tuy nhiên, đây là điều tất yếu trong quá trình chuyển mình. Chính phủ cần thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo sự chuyển đổi diễn ra một cách an toàn và hiệu quả. Tổng quan, thị trường BĐS đã vượt qua giai đoạn khó khăn và sẵn sàng bước vào một kỷ nguyên mới, đầy triển vọng.
Bước vào năm 2025, khi các quy định pháp lý mới liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS) đã được triển khai và đi vào thực tế, dù vẫn còn một số thách thức và khó khăn cần vượt qua, thị trường sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong một chu kỳ mới. Mặc dù những thay đổi này mang lại những tác động tích cực, cũng không tránh khỏi những quy định có thể gây bối rối, lo ngại cho các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, thị trường sẽ có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tính cân bằng và hài hòa.
Cầu nhà ở, bao gồm cả nhu cầu thực tế và đầu tư, sẽ tiếp tục gia tăng nhờ vào sự phát triển của nền kinh tế và quá trình đô thị hóa. Trong đó, nhu cầu về nhà ở giá rẻ vẫn là ưu tiên chính, với phân khúc căn hộ tiếp tục chiếm ưu thế trong thanh khoản thị trường. Tuy nhiên, thị trường thứ cấp sẽ chứng kiến sự suy giảm thanh khoản, đặc biệt là đối với các căn hộ cũ, thiếu hạ tầng và tiện ích, khi giá chuyển nhượng không phản ánh đúng giá trị thực tế. Đồng thời, nhu cầu nhà ở sẽ chuyển dịch mạnh mẽ sang các khu vực ngoại thành và các tỉnh thành cấp 2, cấp 3.
Nguồn cung nhà ở sẽ giảm bớt sự phân hóa giữa các khu vực, với phân khúc nhà ở bình dân được cải thiện rõ rệt nhờ vào sự gia tăng các dự án nhà ở xã hội. Căn hộ chung cư vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu và tiếp tục tăng trưởng, trong khi chủ đầu tư chú trọng hơn đến việc thiết kế thông minh, tích hợp công nghệ và đạt tiêu chuẩn bền vững. Nguồn cung đất công nghiệp cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng, với các khu công nghiệp mới và mở rộng tại các khu công nghiệp hiện có. Các phân khúc bất động sản du lịch, bán lẻ, văn phòng sẽ có sự cải thiện nhờ vào việc hoàn thiện hành lang pháp lý và sự điều chỉnh chính sách của các chủ đầu tư cùng mức giá hợp lý.
Theo TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, năm 2025 đánh dấu một cơ hội lớn cho thị trường BĐS chuyển mình mạnh mẽ. Để tận dụng cơ hội này, các chủ đầu tư cần đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật mới, xác định rõ các vấn đề cần sửa đổi và tránh để những vướng mắc kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Chủ đầu tư cũng nên cân nhắc các phương án hợp tác đầu tư để bảo đảm an toàn tài chính, đưa ra mức giá hợp lý tương ứng với sức mua của thị trường, thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn. Đối với khách hàng và nhà đầu tư, họ cần chủ động tìm hiểu các quy định pháp lý và cập nhật thông tin từ các nguồn chính thống để có thể đưa ra quyết định sáng suốt. Đồng thời, họ cũng nên ưu tiên làm việc với những chủ đầu tư uy tín và sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý để đảm bảo sự kiểm soát.
“Trong giai đoạn này, vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước rất quan trọng, vì vậy cần phải thực hiện các quy định pháp lý một cách linh hoạt, không cứng nhắc, để phù hợp với từng giai đoạn và bối cảnh cụ thể. Cần tránh áp dụng các quy định đột ngột, gây lo lắng, bối rối, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của thị trường. Các chính sách cần được lựa chọn một cách kỹ lưỡng để đạt hiệu quả cao nhất, bảo đảm tính nhất quán trong mọi phương diện, để thị trường bất động sản thực sự sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới,” TS Nguyễn Văn Đính nhận định.
Bất động sản dành cho bạn