Chuyên gia bất động sản đề xuất việc sửa đổi Nghị định 44/2014 về giá đất để giải quyết ngay các khó khăn trong việc tính tiền sử dụng đất cho hàng trăm dự án bất động sản, nhằm thúc đẩy quá trình cấp sổ hồng.
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, trong năm 2023, trên địa bàn thành phố, Sở đã giải quyết cấp hơn 22.000 sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng với đất đối với các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch triển khai các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ hồi tháng 5.2023.
Theo đó, hơn 81.000 căn hộ tại 335 dự án được đưa vào kế hoạch này với 6 nhóm vướng mắc: vướng mắc pháp lý; đang chờ xác minh nghĩa vụ tài chính; doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ cấp sổ; vướng mắc loại hình bất động sản mới; thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung; nhóm vướng mắc khác.
Như vậy, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc cấp sổ hồng đó chính là khâu định giá đất. Chính vì vậy, ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014 quy định về giá đất, để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy công tác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại.
Theo HoREA, Luật Đất đai (sửa đổi) phải đến đầu năm 2025 mới có hiệu lực, công tác định giá đất trong năm 2024 vẫn phải thực hiện theo Luật Đất đai 2013. Do đó, rất cần thiết và cấp bách phải ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44.
Mục đích của công tác định giá đất là để sớm tháo gỡ các vướng mắc về công tác định giá, thẩm định, quyết định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại trong cả nước. Qua đó, để các chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai với Nhà nước, đảm bảo không làm thất thu ngân sách Nhà nước, vừa nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về đất đai và thị trường bất động sản.
Việc sớm ban hành nghị định nêu trên cũng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà được cấp sổ hồng. Riêng ở TPHCM, vẫn còn hơn 60.000 căn nhà thuộc các dự án trước đây chưa được cấp sổ hồng, chưa bao gồm hơn 10.000 căn nhà thuộc các dự án mới tăng thêm hàng năm và trong phạm vi cả nước thì có thể có hàng trăm nghìn căn nhà thuộc các dự án chưa được cấp sổ hồng.
HoREA đánh giá, việc hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi rất thuận lợi do Luật Đất đai mới đã quy định cụ thể về công tác định giá đất để thực hiện công tác định giá đất trong năm 2024. Tuy nhiên, vẫn còn một số đề xuất phù hợp với thực tiễn của các hiệp hội và chuyên gia nhưng chưa được cơ quan soạn thảo chấp thuận.
Vì vậy, HoREA tiếp tục kiến nghị bổ sung một số điều, khoản. Đơn cử như đề nghị sửa đổi, bổ sung về trình tự, nội dung xác định giá đất theo phương pháp thặng dư tại Điều 5đ Nghị định 44 và khoản 8 Điều 1 dự thảo nghị định sửa đổi.
Bên cạnh đó, về trình tự, nội dung xác định giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K), HoREA kiến nghị đối với trường hợp quy định tại nghị định này áp dụng hệ số K do UBND cấp tỉnh quyết định và công bố hằng năm. Đồng thời, việc xác định giá đất phổ biến trên thị trường là của khu vực có thửa đất, khu đất cần định giá (bỏ vị trí đất).
Ngoài ra, việc xác định hệ số K cần được xác định theo từng thửa đất, khu đất (bỏ vị trí đất) được định giá bằng cách lấy giá đất phổ biến trên thị trường tại khu vực có thửa đất, khu đất được định giá chia cho giá đất trong bảng giá đất tại vị trí đất đó.
Bất động sản dành cho bạn