Sau vụ cháy chung cư mini, nhiều người cho rằng cần đưa ra các giải pháp để đảm bảo người dân có cơ hội tiếp cận với nhà ở xã hội, đồng thời ngăn chặn tình trạng "vừa thiếu, vừa thừa" xuất hiện. Điều này sẽ giúp loại bỏ những dự án nhà ở kém chất lượng khỏi thị trường.
Chị Hoàng Thu Hiền (Đống Đa, Hà Nội) không khỏi hoang mang trước vụ cháy khủng khiếp tại phường Khương Đình vừa qua. “Cứ mỗi lần nghĩ đến tôi không khỏi lo lắng bởi hiện gia đình tôi đang sinh sống trong một chung cư mini” - chị phân trần – khi mua đã biết là có nhiều rủi ro nhưng với số tiền hạn hẹp, việc tiếp cận thủ tục mua nhà ở xã hội không đủ điều kiện nên chị không còn lựa chọn khác để “an cư lập nghiệp”.
Nếu người dân tiếp cận được hơn với nhà ở xã hội, nhà thương mại giá bình dân thì có lẽ sẽ không lựa chọn những căn hộ không đảm bảo chất lượng. Thế nhưng, việc tiếp cận này lại rất khó. Anh Phạm Văn Mạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh và vợ đã tìm tới một vài dự án nhà ở xã hội để xem xét làm hồ sơ đăng ký mua. Nhưng khi tìm hiểu thông tin và giá nhà thì mức tài chính toàn vượt quá khả năng, mỗi căn hộ có diện tích khoảng 60-70m2 thì mức giá từ 1,5-1,8 tỷ đồng, đó là chưa kể khi vào ở phải hoàn thiện thêm nội thất và đồ dùng thêm từ 100-200 triệu đồng. “Tính ra với mức tiền cho một căn hộ nhà ở xã hội như vậy là vượt quá khả năng tài chính của những người làm văn phòng như hai vợ chồng tôi” – anh Mạnh nói.
Chị Hiền cũng bày tỏ “giá nhà ở đang vượt sức mua của những người như chúng tôi. Nếu mua được nhà ở xã hội thì chúng tôi đã không “nhắm mắt” biết mà vẫn phải đi mua chung cư mini và loại hình này cũng không dễ mà có đất sống”.
Ngoài mức giá thì một số quy định liên quan đến điều kiện mua nhà ở xã hội cũng làm khó nhiều gia đình. Ví như việc các thành viên trong gia đình không nộp thuế thu nhập cá nhân (không quá 11 triệu đồng/tháng) thì mới là “người có thu nhập thấp”. Đây là điều kiện tưởng dễ mà lại khó bởi mức thu nhập này không thể đủ để vừa trả lãi vay mua nhà vừa trả chi phí sinh hoạt hàng ngày trong bối cảnh hiện nay.
Dự kiến đến năm 2030 theo đề xuất của Bộ Xây dựng sẽ xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng là nguồn vốn ưu tiên để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được thông qua sẽ góp phần giải quyết một số khó khăn cho việc tiếp cận nhà ở xã hội của nhiều người.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các yếu tố về vốn, quỹ đất, chính sách cần được khơi thông. Lâu nay, các địa phương vẫn dành nhiều quỹ đất cho phát triển nhà ở thương mại thì nay nên bố trí, phân bổ để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Tổng Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng Kiến Ninh - Nguyễn Ninh cho biết, đơn vị ông tham gia lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội ở TP HCM nhưng thủ tục để khởi công phải mất nhiều năm mà chưa hoàn thành. Việc bố trí quỹ đất để làm nhà ở xã hội thiếu những tiện ích đi kèm, nằm quá xa trung tâm đã khiến cho tâm huyết của doanh nghiệp sụt giảm, bởi nếu triển khai thì sẽ rất khó bán.
Nhiều người phấn khởi đi tìm mua được căn nhà nhưng khi đến nơi thì họ thất vọng vì các khu nhà ở xã hội hiện được xây khá xa trung tâm, hạ tầng thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay cho người có nhu cầu cũng hạn chế. Chính vì vậy, cộng hưởng các khó khăn với thủ tục rườm ra thì người mua nhà ở xã hội thấy nản và khá mệt khi đi tìm mua nhà ở xã hội.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, bài toán nguồn vốn tài trợ bền vững cho nhà ở xã hội là quan trọng hơn cả. Hiện các dự án nhà ở xã hội vẫn đang xây dựng bằng nguồn vốn công là chính, có một số dự án là do tư nhân phát triển. Do đó, theo ông Cấn Văn Lực có thể thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, các nguồn vốn huy động từ nguồn tiền thu quỹ đất, vốn góp của tài chính trong và ngoài nước, trái phiếu, vốn đối ứng, ODA…
Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã cập nhật một số chính sách về phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo luật Nhà ở. Theo đó, dự thảo đã bổ sung nhóm chính sách về nhà ở công nhân ở khu công nghiệp và nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang. Về quỹ đất, Thứ trưởng Sinh cho biết dự thảo sẽ khắc phục hạn chế trước đây, chỉ yêu cầu doanh nghiệp dành 20% quỹ đất trong dự án nhà thương mại ở các đô thị loại 3 trở lên cho nhà ở xã hội. Đồng thời, bổ sung nhóm chính sách ưu đãi; giảm bớt các thủ tục cho người mua nhà; xác định giá bán, giá thuê mua…
Nhà ở xã hội là vấn đề thuộc dân sinh. Bên cạnh tạo điều kiện bảo đảm an cư lập nghiệp cho người dân, ổn định xã hội thì còn góp phần có tác động tích cực tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Với những sửa đổi trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thị trường nhà ở xã hội sẽ sớm được thúc đẩy và phát triển.
Bất động sản dành cho bạn