Chuyên gia nhận định, qua mỗi giai đoạn suy thoái thì thị trường BĐS được thanh lọc và cơ cấu lại. Việc các ngân hàng liên tục hạ thấp lãi suất để kích thích nhà đầu tư đổ tiền vào các kênh đầu tư thay vì gửi tiền.
Kinh tế Việt Nam năm 2023 được đánh giá là "tiền hung hậu cát" khi phục hồi mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm. Các kênh đầu tư chứng kiến sự trở lại của vàng với giá vàng nhẫn tăng mạnh hơn 17,2%, chỉ xếp sau chứng khoán.
Trong thời điểm đầu năm 2024, giới đầu tư đang tìm định hướng mới trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục phục hồi trên nền lãi suất thấp.
Trao đổi với Lao Động, ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP FIDT - dự báo lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ quý II/2024 nhưng cũng chỉ ở mức nhẹ để duy trì nền thấp. Do đó với kênh tài sản truyền thống là tiền gửi ngân hàng, nhà đầu tư vẫn nên có trong danh mục nhưng giảm dần tỉ trọng để đón đầu sóng chứng khoán và bất động sản sắp tới.
Với vàng, xu hướng lãi suất của Mỹ giảm dần sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng bạc xanh. Ông Huấn dự báo, kim loại quý sẽ giữ được vùng giá trong 2024 nhưng để tăng mạnh hơn 15% thì chưa thấy nhiều khả năng.
"Nhà đầu tư nên giữ vàng chứ chưa vội bán ở vùng giá hiện tại, còn mua thêm thì không. Tỉ trọng vàng trong tổng thể tài sản năm 2024 sẽ vào khoảng 10 - 15% bởi so với chi phí cơ hội tăng trưởng của chứng khoán và xa hơn là bất động sản thì không nhiều. Đặc biệt giai đoạn 2013 - 2016 khi kinh tế ổn định, vàng có 4 năm liên tiếp đi ngang, nên nếu tăng tỉ trọng vàng vào thời điểm hiện tại thì sẽ có ít nhiều rủi ro" - vị chuyên gia cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Điều hành TOPI - đánh giá 2 lớp tài sản cần được quan tâm đặc biệt trong năm 2024 là vàng và cổ phiếu. Ông cho rằng, nên tăng thêm tỉ trọng vào lớp cổ phiếu trong bối cảnh tiền gửi có hiệu suất thấp và thị trường cổ phiếu đang ở mức có thể tích lũy trong dài hạn.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP FIDT - kỳ vọng chứng khoán sẽ thẩm thấu nhanh nhất dòng vốn rẻ hiện tại. Tăng trưởng lợi nhuận của thị trường trong năm 2024 dự báo đạt khoảng 20%, hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm vốn có lãi suất cố định.
"Chứng khoán đang ở giai đoạn đảo chiều, vòng lượng đáy đi lên. Thị trường sắp tới chứng kiến sự kiện nâng hạng, hút thêm vốn ngoại và đà phục hồi của nền kinh tế trên mặt bằng lãi suất rẻ. Lưu ý rằng, quá trình này sẽ cần thời gian, nhà đầu tư nên kiên trì" - ông Tuấn nói.
Với kênh trái phiếu và bất động vốn có sự liên thông với nhau, ông Huỳnh Minh Tuấn nhận thấy thị trường trái phiếu năm nay sẽ có khởi sắc. Tuy nhiên để chính thức phục hồi thì sẽ rơi vào 2025 trở đi khi những vấn dề nội tại của doanh nghiệp, tắc nghẽn về dòng vốn bất động sản được giải quyết.
Quan sát thị trường, ông Ngô Thành Huấn cho rằng, đà ấm lên của thị trường bất động sản sẽ bắt đầu từ phân khúc ở thật (thổ cư, dân sinh) sau đó lan sang bất động sản có tính đầu tư dài hạn, đầu cơ như dự án, nhà ở thấp tầng, bất động sản nghỉ dưỡng, shophouse, đất nông nghiệp.
"Năm 2024 nhà đầu tư nên chuẩn bị nguồn tiền cho bất động sản giá rẻ từ nửa cuối năm, trong đó ưu tiên phân khúc dân sinh" - ông Huấn nói.
Bất động sản dành cho bạn