Thị trường Bất động sản (BĐS) thường đề cập đến sự tương tác giữa cung và cầu. Nếu thị trường BĐS bị lệch pha cung - cầu, có nghĩa là có sự mất cân đối giữa lượng BĐS được cung cấp và nhu cầu của thị trường. Tình trạng này đã kéo dài nhiều tháng qua và đến nay vẫn còn.
Báo cáo của HoREA cho biết, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều hội nghị chuyên đề về bất động sản, nhà ở xã hội; ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành.
Các thành viên Chính phủ đã trực tiếp làm việc với từng địa phương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; từng bước xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm.
Đến nay, tại TPHCM, trong tổng số 148 dự án bị "vướng mắc pháp lý", đã có khoảng 30% dự án được tháo gỡ.
Các biện pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến rất tích cực có tính lan tỏa từ các bộ, ngành đến các địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức và truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư để vượt qua khó khăn, nâng đỡ niềm tin thị trường.
Tình hình thị trường bất động sản Việt Nam 10 tháng đầu năm, HoREA nhận định thị trường đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, về tổng thể thị trường vẫn còn rất khó khăn, nhưng mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Xu thế này thể hiện rất rõ nét tại thị trường bất động sản TPHCM , quý I tăng trưởng âm -16,2%; đến 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng âm -11,58% nhưng đã giảm 4,62% so với quý I; đến cuối quý III tuy vẫn còn tăng trưởng âm -8,71% nhưng đã giảm thêm 2,87% so với 6 tháng đầu năm. Đến nay, sau 9 tháng, mức độ khó khăn của thị trường đã giảm 42,3% so với quý I.
Trong 9 tháng, nguồn cung nhà ở tại TPHCM, chỉ có 13 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn với 15.020 căn (tăng 1,37 lần so với cùng kỳ năm 2022) gồm 13.767 căn hộ chung cư (91,6%) và 1.253 căn nhà thấp tầng (8,4%). Trong đó, phân khúc nhà ở cao cấp có 9.969 căn, còn lại là phân khúc nhà ở trung cấp với 5.051 căn và vẫn tiếp tục tình trạng không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân giá vừa túi tiền, cũng như không có thêm nhà ở xã hội.
Về nguồn cung bất động sản, cũng như trên cả nước, thị trường TPHCM tiếp tục bị "lệch pha cung-cầu", rất thiếu nguồn cung dự án dẫn đến rất thiếu nguồn cung nhà ở. Tiếp tục mất cân đối, "lệch pha" sản phẩm nhà ở, "lệch" về phân khúc nhà ở cao cấp. Từ năm 2020 đến nay, nhà ở cao cấp luôn chiếm tỷ lệ áp đảo lên đến 70-80% sản phẩm nhà ở trên thị trường, phần còn lại là nhà ở trung cấp và hầu như không còn nhà ở bình dân và nhà ở xã hội, loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đa số người dân.
Từ năm 2017 đến nay, giá nhà tăng liên tục và vẫn "neo cao" vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư.
Hiện giá căn hộ bình dân từ 2-3 tỷ đồng, người có thu nhập trung bình thấp, nếu tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà. Và nếu không thay đổi chính sách nhà ở xã hội thì người nộp thuế thu nhập cá nhân "bậc 1" (dưới 60 triệu đồng/năm) không được mua nhà ở xã hội, nhưng cũng không đủ khả năng tài chính để mua nhà ở thương mại giá bình dân.
Bất động sản dành cho bạn