Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần có cơ chế khơi thông hàng nghìn dự án bất động sản đang “đắp chiếu” để kích hoạt nguồn vốn lớn, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng 23/5, đại biểu Hoàng Văn Cường (nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân) đưa ra đề xuất đáng chú ý: sử dụng thị trường bất động sản như một "động cơ tăng trưởng nhanh", đặc biệt trong giai đoạn 2025-2026. Theo ông, bất động sản là lĩnh vực có khả năng hút vốn cao nhất, tác động dây chuyền tới nhiều ngành nghề khác và từng là nhân tố chính giúp Trung Quốc tăng trưởng ở mức hai con số.
“Có nên chấp nhận tăng trưởng nóng trong thời gian tới không? Tôi cho rằng nên, nếu thông qua bất động sản,” ông Cường nhấn mạnh. Ông cho rằng, tình trạng thị trường hiện nay là thiếu cung chứ không phải bong bóng. Việc nới điều kiện để phát triển dự án là cần thiết nhằm mở rộng nguồn cung, hạ giá nhà và khơi thông dòng vốn.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy có đến 2.200 dự án bất động sản trên cả nước đang bị đình trệ do vướng pháp lý, với tổng vốn lên tới gần 5,9 triệu tỷ đồng, tương đương 320.000 ha đất bị "chôn chân". Ông Cường đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 170 – vốn đang được triển khai thí điểm tại TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa – để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trên cả nước.
Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của phân khúc nhà ở xã hội trong việc phát triển thị trường một cách bền vững. Tuy nhiên, để thu hút doanh nghiệp tham gia, cần nới các điều kiện tài chính, đặc biệt là về giới hạn dư nợ tối thiểu.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại) cảnh báo tình trạng nhiều công trình đầu tư công và dự án tư nhân bị bỏ hoang gây lãng phí lớn về ngân sách và cơ hội phát triển. Ông kêu gọi các cơ quan chức năng sớm thanh tra, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp xử lý.
Bên cạnh đó, ông Đức lưu ý tới một nguồn lực quan trọng nhưng đang bị bỏ ngỏ: tài sản công. Việc sắp xếp lại bộ máy hành chính sẽ khiến nhiều trụ sở, văn phòng bị dôi dư. Nếu không sớm có kế hoạch khai thác hợp lý, đây sẽ là một "đống tài sản chết", vừa lãng phí vừa gây áp lực cho ngân sách.
Cũng trong cùng chiều hướng, đất đai thuộc các nông lâm trường quốc doanh là một vấn đề nhức nhối được lãnh đạo Chính phủ đề cập. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hệ lụy từ quản lý lỏng lẻo trong quá khứ khiến hiện nay phải "giải quyết đau đớn", thậm chí chấp nhận mất mát. Nhưng nếu không làm quyết liệt, tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài, cản trở sự phát triển của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 15/5 cũng cảnh báo tình trạng "bất thường" của thị trường bất động sản – khi thì đóng băng, lúc lại sốt nóng – đã gây ra những biến động lớn về giá, tín dụng và tài chính. Mặc dù quý I năm nay có dấu hiệu khởi sắc với hơn 33.000 căn hộ và 101.000 lô nền giao dịch thành công, nhưng vẫn cần một cơ chế điều tiết dài hạn và bền vững.
Bất động sản dành cho bạn