Chính sách thuế bất động sản đã nhiều lần được đề xuất nhưng vẫn chưa được triển khai, do lo ngại tác động đến thị trường, chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế, và thậm chí còn thiếu quyết tâm chính trị.
Trong nhiều năm qua, chính sách thuế bất động sản đã được đề xuất nhiều lần nhằm hạn chế đầu cơ và điều tiết thị trường. Tuy nhiên, các đề xuất này đều chưa đi vào thực tế do nhiều yếu tố tác động.
Từ năm 2009, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo Luật Thuế nhà, đất với mức thuế 0,03% đối với nhà có giá trị trên 500 triệu đồng. Đến năm 2018, tiếp tục có đề xuất áp thuế tài sản với hai phương án: đánh thuế nhà có giá trị trên 700 triệu hoặc 1 tỷ đồng với mức 0,3% hoặc 0,4%. Dù vậy, các đề xuất này đều vấp phải phản ứng mạnh từ dư luận và bị gác lại. Một trong những nguyên nhân quan trọng là thiếu quyết tâm chính trị khi đối tượng chịu thuế chủ yếu là các nhà đầu tư, chủ đầu tư có tiềm lực tài chính và ảnh hưởng lớn.
Ngoài ra, việc áp thuế bất động sản cũng gặp thách thức lớn do lo ngại tác động tiêu cực đến thị trường. Bộ Tài chính từng nhận định rằng nếu triển khai thuế vào thời điểm không phù hợp có thể khiến nền kinh tế rơi vào trạng thái trì trệ. Đến năm 2023, dù đã có kế hoạch trình dự án Luật Thuế bất động sản vào kỳ họp tháng 10, nhưng cơ quan này đánh giá chưa phải thời điểm thích hợp, do kinh tế toàn cầu còn phức tạp và niềm tin tiêu dùng chưa phục hồi.
Bên cạnh đó, sự thiếu minh bạch trong hệ thống dữ liệu bất động sản cũng là rào cản lớn. Hiện tại, giá giao dịch thực tế thường cao hơn nhiều so với mức kê khai thuế, khiến việc xác định giá trị tài sản để đánh thuế gặp nhiều khó khăn.
Dù chưa được triển khai, giới chuyên môn cho rằng nghiên cứu và áp dụng chính sách thuế bất động sản là cần thiết để góp phần cân bằng thị trường, hạn chế đầu cơ và tăng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, chính sách này cần có lộ trình phù hợp, tránh gây xáo trộn mạnh.
Một trong những giải pháp được đề xuất là áp dụng thuế suất thấp trong giai đoạn đầu và tăng dần theo thời gian để thị trường thích nghi. Ví dụ, Singapore đánh thuế 16% nếu chủ sở hữu bán nhà trong năm đầu sau khi mua, giảm dần về 12% và 8% trong các năm tiếp theo. Chính sách này giúp hạn chế tình trạng mua đi bán lại trong ngắn hạn.
Bên cạnh việc đánh thuế dựa trên số lượng bất động sản sở hữu, nhiều chuyên gia đề xuất tính đến diện tích và giá trị tài sản để đảm bảo công bằng. Điều này giúp tránh tình trạng người sở hữu nhiều nhà nhỏ bị đánh thuế trong khi những căn hộ cao cấp diện tích lớn lại không chịu thuế.
Ngoài ra, để tăng hiệu quả thực thi, Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý dữ liệu bất động sản, minh bạch hóa các giao dịch và cải thiện nghiệp vụ định giá. Cùng với thuế, các chính sách liên quan đến đất đai, quy hoạch cũng cần được điều chỉnh đồng bộ nhằm đảm bảo thị trường bất động sản phát triển bền vững và lành mạnh.
Bất động sản dành cho bạn