Hàng trăm nghìn môi giới bất động sản trên cả nước đang rơi vào cảnh hành nghề không hợp pháp dù đã hoàn tất đào tạo, chỉ vì chưa thể thi sát hạch lấy chứng chỉ. Quy định mới có hiệu lực nhưng hệ thống tổ chức kỳ thi thì vẫn... chưa vận hành. Các doanh nghiệp, cá nhân và cả cơ quan chức năng đều trong thế "chờ nhau", khiến thị trường rơi vào tình trạng rối ren chưa từng có.
Từ giữa năm 2024, theo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, cá nhân hành nghề môi giới phải có chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp và làm việc tại một sàn giao dịch hoặc doanh nghiệp môi giới hợp pháp. Đây được xem là bước tiến trong việc chuẩn hóa hoạt động môi giới, giúp thị trường minh bạch hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này lại đang khiến hàng trăm nghìn người lao động rơi vào thế bế tắc.
Chị Lê Thu Trang, một môi giới tại TP.HCM chia sẻ: “Tôi và chồng đều đã học xong khóa đào tạo, nộp đơn từ giữa năm ngoái nhưng đến giờ vẫn chưa biết thi ở đâu, ai tổ chức”. Trường hợp của chị Trang không phải là cá biệt. Nhiều cá nhân khác đã hoàn thành chương trình học, thậm chí học từ các trung tâm uy tín được giới thiệu bởi doanh nghiệp, nhưng tất cả đều bị chặn lại ở bước cuối – thi sát hạch để được cấp chứng chỉ.
Anh Hùng, một môi giới đang làm việc tại quận Bình Thạnh cũng gặp tình cảnh tương tự. “Học xong từ cuối năm 2024, đến nay đã hơn nửa năm vẫn chưa có kỳ thi nào diễn ra. Trong khi đó, công việc vẫn phải làm mỗi ngày, đâu thể bỏ vì không có giấy phép”, anh nói.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VARS IRE), cả nước có hơn 300.000 môi giới đang hoạt động nhưng chỉ khoảng 11% trong số đó sở hữu chứng chỉ hợp lệ. Gần 260.000 người đang hành nghề “chui”, không do lỗi chủ quan mà vì hệ thống tổ chức thi chưa sẵn sàng.
Không chỉ cá nhân, các doanh nghiệp môi giới bất động sản cũng đang phải xoay xở trong tình trạng không lối ra. Một công ty tại TP.HCM có gần 800 môi giới cho biết, toàn bộ nhân viên đã được công ty tổ chức học đầy đủ theo quy định, nhưng không ai được thi vì không rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm tổ chức kỳ sát hạch.
Lãnh đạo doanh nghiệp này nói: “Chúng tôi đã chủ động liên hệ nhiều sở ngành, nhưng mỗi nơi lại trả lời một kiểu, hoặc không có thông tin cụ thể. Muốn tuân thủ pháp luật nhưng thực tế lại bị đẩy vào thế vi phạm”.
Tình trạng này xuất phát từ sự thay đổi thẩm quyền theo Nghị định 96/2024, khi việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ không còn do Sở Xây dựng thực hiện như trước mà chuyển về UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tỉnh, thành nào đứng ra triển khai, khiến quy trình bị đình trệ trên phạm vi toàn quốc.
Sở Xây dựng TP.HCM xác nhận, trong năm 2024 chỉ có hơn 2.000 môi giới được cấp chứng chỉ, một con số quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Hiện sở này đã kiến nghị UBND TP ủy quyền lại cho mình để tiếp tục tổ chức kỳ thi, nhưng vẫn đang chờ phản hồi.
Trong khi đó, các hiệp hội ngành nghề, bao gồm Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam và VARS IRE, liên tục gửi kiến nghị lên Bộ Xây dựng, đề xuất cho phép các đơn vị đào tạo đủ điều kiện được phối hợp tổ chức thi hoặc triển khai hình thức thi sát hạch trực tuyến. Giải pháp này vừa giúp giải tỏa áp lực cho các địa phương, vừa đảm bảo tính minh bạch, công khai – điều rất cần trong bối cảnh thị trường đang chật vật phục hồi.
Một điểm nghịch lý đang xảy ra là trong khi quy định pháp lý siết chặt để tăng tính chuyên nghiệp cho ngành môi giới, thì chính sự thiếu đồng bộ trong khâu thực thi lại đang kéo lùi cả thị trường. Gần 52% môi giới hiện chưa từng được đào tạo chính quy. Trong số còn lại, phần lớn đang kẹt ở khâu thi cử. Điều này khiến doanh nghiệp không tuyển được nhân sự hợp pháp, còn người lao động thì buộc phải hành nghề trái quy định nếu muốn duy trì thu nhập.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nếu không có hành động quyết liệt và thống nhất giữa các cơ quan trung ương và địa phương, kỳ thi cấp chứng chỉ sẽ tiếp tục "nằm trên giấy". Và khi đó, các mục tiêu chuẩn hóa thị trường, tăng minh bạch, bảo vệ người mua… đều trở thành lý thuyết.
Bất động sản dành cho bạn